MẸO GIÚP MẸ DẠY CON TRỞ NÊN CÓ TRÁCH NHIỆM

Mon 10/07/2023 | 14:55 GMT+7

Với tuổi đời còn rất non nớt, các bé rất khó để tiếp thu được những khái niệm quá đỗi phức tạp như “tính trách nhiệm". Thay vào đó, ba mẹ hãy ươm mầm tính trách nhiệm trong con bằng cách giao cho con những nhiệm vụ mà bạn biết con có thể làm được. Hãy lựa chọn thời điểm con có vẻ độc lập hơn, muốn tự mình đưa ra quyết định như mặc bộ quần áo nào, đi đôi giày nào… Những nhiệm vụ nho nhỏ đó giúp các bé cảm thấy tự tin, là bước đệm vững chắc cho hành trình phát triển trong tương lai.

Mời ba mẹ tham khảo những cách rất đơn giản mà hiệu quả sau đây nhé.

Giao cho con những công việc phù hợp với lứa tuổi

Nhớ giao cho bé một công việc mà bé có thể dễ dàng hoàn thành, để bé cảm thấy vui và tự hào khi mình làm xong công việc mẹ giao. Với lứa tuổi mầm non, mẹ nhớ hướng dẫn con càng chi tiết càng tốt. Thay vì “con dọn phòng đi nhé" thì sẽ là “con giúp mẹ treo quần áo lên này, gấp lại chăn này, với cả cất các mảnh ghép vào hộp nữa con nhé". Đôi khi có thể đố con làm những công việc cần con cố gắng hơn một chút để tăng tính kích thích và cảm giác thành tựu trong con.

Làm mẫu cho con

Khi giao nhiệm vụ cho con, mẹ hãy cố gắng nói sao cho thật ngắn gọn, dễ hiểu, từng việc một. Ví dụ mẹ muốn con dọn bàn, hãy bắt đầu bằng việc tự mẹ chuẩn bị phần bát đĩa của mình “Mẹ đặt bát đĩa lên bàn này, con chuẩn bị bát đĩa của con nhé". Vừa làm vừa hướng dẫn sẽ trực quan và dễ hiểu hơn. Đừng nói một tràng sẽ khiến con bị rối, hướng dẫn con từng bước mẹ nhé.

Trao phần thưởng sau mỗi nhiệm vụ

Chúng mình sẽ đi công viên sau khi dọn dẹp xong bàn đã con nhé", bằng cách trao phần thưởng cho các nhiệm vụ, con sẽ hào hứng hơn và không có cảm giác bị mẹ sai khiến, mà là hai mẹ con cùng làm việc để được đi chơi cùng nhau. Và cả hai đều cố gắng hoàn thành công việc.

Một tip nhỏ là mẹ nên sử dụng mẫu câu “khi nào- thì sẽ" thay vì “nếu- thì", bởi vì “khi nào con dọn xong bàn thì mình chơi xếp hình nha" mang tính chất thông báo về nhiệm vụ rõ ràng tại thời điểm đó, “chơi xếp hình" chỉ là thông tin phụ; còn “nếu con dọn xong bàn thì mẹ sẽ cho con chơi xếp hình" lại nghiêng về việc con chỉ có nhiệm vụ dọn bàn thôi, mà dường như “chơi xếp hình” lại là thông tin chính mà mẹ muốn nhấn mạnh.

Biến các nhiệm vụ trở thành trò chơi vui nhộn

Cái gì vui đều gây hứng thú hơn những công việc nhàm chán phải không ạ? Thay vì bảo “Con ra lấy quần áo từ máy sấy ra nhé" thì dùng thật nhiều các từ tượng thanh, tượng hình ví dụ như “Giờ mình đi lấy những bộ quần áo ấm ơi là ấm, mềm ơi là mềm vào giỏ nhé. Ôi thơm quá nè". Hoặc nếu hai mẹ con đang thu dọn đồ chơi thì thi xem ai xếp vào hộp nhanh nhất. Đảm bảo bé sẽ rất hợp tác đấy.

Đừng đe dọa

Cố gắng giữ thái độ vui vẻ, tích cực khi giao nhiệm vụ cho con. Nếu con đòi ăn bánh, nhẹ nhàng giải thích rằng “Con ngồi vào bàn rồi mẹ cho bánh nhé."

Làm gương cho con

Cha mẹ cố gắng gương mẫu để con nhìn theo và bắt chước: cất chìa khoá đúng nơi quy định thay vì vứt bừa bãi trên bàn, quần áo nhớ gập gọn gàng chứ đừng vứt mỗi cái một nơi… Chỉ khi bạn làm đúng, bạn mới thuyết phục được con.

Nhìn vào quá trình con thực hiện nhiệm vụ chứ đừng chỉ đánh giá kết quả

Khi con đang cố gắng cởi áo mà không thể xoay sở để kéo được áo qua khỏi đầu, con hẳn rất cáu bẳn. Lúc này mẹ không nên cười cợt con theo kiểu “sao có cái áo mà con cũng không cởi được thế". Con đã cố gắng, và làm nhiều lần con sẽ thành công. Hãy khen ngợi nỗ lực của con chứ đừng chê bai, điều này có thể giết chết sự tự tin trong con đó.

Cũng không nên vội vã mặc hộ con ngay, dần dần hướng dẫn con từng bước bắt đầu bằng việc giúp con bỏ từng tay ra khỏi tay áo, và để con tự làm nốt phần còn lại. Con sẽ rất vui vì con TỰ MÌNH LÀM ĐƯỢC và chắc chắn sẽ muốn tự làm ở những lần cởi đồ tiếp theo.

Đừng khắt khe

Trẻ con thường xuyên vô kỷ luật, và việc của cha mẹ là hết sức kiên nhẫn để thiết lập kỷ luật lại cho con. Tuy nhiên, đôi khi con ở trường đối mặt với hàng tá quy tắc, thi khi về nhà con sẽ trở nên nũng nịu một chút. Không sao cả, hãy giúp con một phần công việc như dọn một phần đồ chơi giúp con nhé.

Lời khen chân thành luôn hữu ích

Bất cứ khi nào con tự giác hoàn thành nhiệm vụ, nhớ khen ngợi con và nên khen thật cụ thể, dù cho tổng thể con làm chưa tốt, nhưng chỉ cần con hoàn thành một mốc nhỏ cũng vẫn xứng đáng nhận được sự công nhận từ mẹ cha. Điều này giúp con cảm nhận rằng nỗ lực của con là quan trọng hơn cả.

Ví dụ, khen thật cụ thể rằng “Con vừa đẩy đĩa ăn của em lại gần cho em dễ lấy, con thật đáng yêu" hoặc “Ô kìa cục cưng của mẹ tự mặc đồ đó à? Hơi khó mà con vẫn cố gắng để mặc, con giỏi quá". Những lời khen cụ thể giúp con nhận biết con được ghi nhận về việc gì.

Với những mẹo trên, chúc ba mẹ thành công trong việc dạy con trở nên có trách nhiệm nhé.

Các bài viết khác